Gần đây, nhà tỉ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg cùng sáng tạo của ông – Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới – liên tiếp gặp phải những trở ngại và thiệt hại hàng tỉ USD. Facebook đang dần dần gây mất lòng tin của người dùng.
Facebook là một mạng xã hội được tạo ra bởi “thiên tài” trẻ tuổi Mark Zuckerberg. Ra mắt vào năm 2004, Facebook dần dần soán ngôi của các ông lớn Yahoo, Twitter… và trở thành mạng xã hội có nhiều người sử dụng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, gần đây, Facebook đang dần khiến người dùng mất lòng tin với hàng loạt các vụ bê bối.
Lộ thông tin của 50 triệu người dùng
Sự việc bắt đầu từ tháng 6/2014, khi nhà nghiên cứu Alesksandr Kogan tạo ra một ứng dụng trắc nghiệm vui về tính cách con người và đưa nó lên Facebook. Có khoảng gần 300.000 người đã sử dụng và cài đặt ứng dụng này trên Facebook cá nhân của họ. Lợi dụng các lỗ hổng bảo mật của Facebook, Kogan đã thu thập dữ liệu của gần 50 triệu tài khoản của những người đang sử dụng Facebook và cung cấp chúng cho công ty Cambridge Analytica. Công ty này là một công ty tư nhân chuyên khai thác dữ liệu và phân tích chúng cho các chiến dịch truyền thông hoặc vận động bầu cử.
Facebook rò rỉ thông tin của 50 triệu tài khoản
Cambridge Analytica đã dùng các dữ liệu nhận được xây dựng nên các mô hình cho biết tâm lý của người dùng, nhằm vào mục đích quảng cáo cho công ty cũng như phục vụ cho các khách hàng, trong đó có cả cuộc bầu cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đến đầu năm 2018, Christopher Wylie – một cựu nhân viên của Cambridge Analytica – đã lên tiếng phanh phui sự việc. Facebook lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Nhiều người dùng giận dữ và tẩy chay Facebook. Từ khóa Delete Facebook (xóa Facebook) được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Hastag #DeleteFacebook cũng được chia sẻ rầm rộ trên Twitter cùng nhiều mạng xã hội khác. Hơn một nửa người Mỹ cho biết họ mất niềm tin với Facebook. Các quốc gia có số lượng dữ liệu bị thu thập nhiều nhất có Mỹ, Anh, Canada, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam,… và một số quốc gia khác. Nhiều nguồn tin tức quốc tế cho biết, con số tài khoản bị đánh cắp thông tin lên đến 87 triệu chứ không chỉ là 50 triệu.
MarkZuckerberg – CEO của Facebook – đã thừa nhận lỗi sai của công ty và công khai xin lỗi trước công chúng. Facebook sẽ tích cực cải thiện các lỗ hổng bảo mật, điều tra các ứng dụng lấy thông tin của người dùng. Tuy nhiên việc này cũng cần một khoảng thời gian tương đối dài. Trong khi đó, nhiều tin tức mới cho biết thêm, Facebook còn lén lưu trữ nhiều thông tin cá nhân của người dùng. Những lượt thích, chia sẻ, bình luận hay các bài đăng của bạn đều được Facebook lưu lại. Thậm chí các cuộc gọi, tin nhắn thoại, cả video riêng tư chưa từng đăng tải lên trang cá nhân cũng được lưu trữ lại. Facebook cũng đã thừa nhận có “đọc trộm” tin nhắn trong Messenger để đảm bảo các tiêu chuẩn cộng đồng.
Vụ bê bối này khiến Facebook mất cả chục tỷ USD. Mark Zuckerberg phải tham gia các phiên điều trần và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cổ phiếu sụt giá thảm hại
Theo các tin quốc tế, ngày 26/7 vừa qua, Facebook lại bị giáng một đòn nặng nề nữa khi giá cổ phiếu của công ty tụt dốc không phanh, giảm 18%. Sự kiện “kinh hoàng” này đánh bay mất hơn 120 tỷ USD vốn hóa của công ty. Làm nhiều nhà đầu tư mất lòng tin mạnh mẽ.
Giá cổ phiếu Facebook tụt thảm hại vào ngày 26/7
Nguyên nhân sụt giảm được cho là có liên quan trực tiếp đến vụ bê bối thông tin trước đó, khiến lượng người dùng có phần suy giảm, số lượt truy cập hàng ngày không đạt đến con số phân tích. Sự tin tưởng vào Facebook đã mất đi ít nhiều. Cổ đông James Kacouris đã đâm đơn kiện công ty vì những nhận định sai lệch về tốc độ tăng trưởng cũng như lợi nhuận công ty đạt được. Ông đã bị “sốc” sau cú tụt giá cổ phiếu vừa rồi. Đây là một đòn khá nặng đối với Facebook, khi cuộc khủng hoảng do vụ rò rỉ thông tin trước vẫn còn chưa giải quyết xong.
Như vậy, Facebook đang đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn. Mark Zuckerberg cần phải đưa ra những giải pháp cũng như hướng đi mới nếu không muốn công ty có nguy cơ phá sản.